Dồn hết tiền xây nhà 4 tầng, 6 năm gia đình tôi chỉ ở một nửa diện tích
Dưới đây là chia sẻ của anh Việt Hùng, 50 tuổi, sống tại ở TP HCM.
Sau khi học xong cấp 3, tôi vào TP HCM lập nghiệp, sau đó kết hôn với một cô bạn đồng hương. Cưới nhau được 2 năm, chúng tôi sinh con đầu lòng và mua được một ngôi nhà 30m2 xây một tầng và một gác lửng.
Đến năm 2010, nhân khẩu của gia đình tôi đã là 5 người, 2 vợ chồng, 2 cô con gái và một cậu con trai vừa chào đời. Thấy nhà quá chật, tôi quyết định dồn hết tiền tiết kiệm, xây một căn nhà to cho các con ở thoải mái.
Chúng tôi mua được lô đất 80m2 ở quận Tân Phú, chỉ chừa khoảng 10m2 làm sân, còn xây hết 70m2 và cất luôn 4 tầng. Nhà có tổng cộng 5 phòng ngủ, mỗi con một phòng, vợ chồng tôi một phòng, một phòng dư dành cho bố mẹ ở quê ra chơi. Ngoài ra, nhà còn phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung và phòng thờ.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, đời mình đã khổ, phải ở chật chội, giờ mình có điều kiện thì xây phòng riêng cho các con được sống sung sướng.
Việc xây nhà và mua đồ dùng mới tiêu tốn của tôi hết 2,4 tỷ, vì tôi dùng nhiều đồ nội thất đắt tiền. Thời điểm đó, giá xây dựng nhà hoàn thiện cơ bản ở TP HCM chỉ vào khoảng 4,5 triệu đồng/1 m2. Ngôi nhà của chúng tôi mất hơn một năm mới hoàn thiện, ai cũng khen đẹp và sang trọng.
Vợ chồng tôi sắp xếp cho các con mỗi đứa vào một phòng như dự định ban đầu, nhưng chỉ ở một hôm là bọn trẻ thấy sợ vì nhà quá rộng. Hai cô con gái đang học lớp 8 và lớp 3 dồn vào ở một phòng cho có chị có em, còn cậu con út nhất định đòi ngủ chung với bố mẹ.
Hơn 6 năm trôi qua, gia đình tôi chỉ sử dụng 2 tầng, 2 tầng còn lại để trống không ai ở. Cô con gái đầu lòng giờ đã vào đại học nhưng vẫn ở cùng phòng với em gái. Cháu út vẫn ngủ với bố mẹ dù đã vào lớp 1.
Nhiều người xây nhà to rồi ở không hết. Ảnh: Dezeen. |
Hai lần mỗi tuần, vợ chồng tôi đều phải lên dọn dẹp 2 tầng trên. Lần nào bụi cũng đã bám kín đồ dùng. Mỗi lần dọn tốn nửa ngày, chúng tôi chẳng còn thời gian nghỉ ngơi. Thời gian tới, tuổi chúng tôi càng cao, chắc chẳng còn sức để dọn dẹp nữa. Các con lớn rồi cũng phải lập gia đình và ra ở riêng. Hai tầng trên ngày càng trở nên thừa thãi và lãng phí.
Thỉnh thoảng dọn nhà xong, hai vợ chồng vừa ngồi thở vừa tiếc. Nếu như lúc trước, chúng tôi xây nhà vừa phải, chắc chắn đã không phải bán ngôi nhà 30m2, bây giờ vừa nhàn thân vừa có thêm một khoản tiền từ việc cho thuê. Xây nhà nhỏ, tiền dư ra từ việc xây nhà, chúng tôi hoàn toàn có thể đầu tư vào nhiều thứ hiệu quả hơn rất nhiều, thay vì mua việc để bây giờ phải dọn không công mỗi tuần. Chưa kể nhà rộng, hóa đơn điện nước, tiền mua xà phòng, nước tẩy rửa đều tốn kém hơn nhà nhỏ.
Nhận xét về câu chuyện của ông Hùng, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (TPHCM) cho rằng giải pháp hiện tại có thể là bán nhà to đang ở để mua một ngôi nhà phù hợp với thói quen sinh hoạt của gia đình hơn.
Kiến trúc sư Xuân Hải cho rằng các gia đình có thu nhập ổn định hiện nay hoàn toàn có điều kiện xây một ngôi nhà rộng rãi, nhiều phòng. Tuy nhiên thực tế, nhu cầu sử dụng nhà thường thay đổi theo thời gian. Bọn trẻ lớn rất nhanh và nhu cầu về không gian sống của các con cũng thay đổi.
Vì thế, khi xây nhà, tốt nhất gia chủ nên hình dung về cuộc sống của gia đình trong tương lai 5, 10 năm tới. Ngoài ra, trước khi làm nhà, chủ nhà nên tham khảo tình hình của các gia đình người quen từng làm nhà trước đây để nhận được những lời khuyên phù hợp. Chủ nhà cũng nên tìm hiểu kỹ sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, hỏi con cái xem có thật sự cần phòng riêng không, để có thể xây được ngôi nhà phù hợp nhất với gia đình mình.
"Tốt nhất không nên xây nhà quá nhiều phòng rồi bỏ trống, vừa tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, vừa tăng thêm chi phí bảo trì về sau", ông Hải khuyên.
Nếu hiện tại chỉ cần nhà nhỏ nhưng dự tính tương lai sẽ cần nhà to, ban đầu, gia đình có thể xây nhà ít tầng nhưng làm móng chờ sẵn, để khi thực sự có nhu cầu ở rộng, có thể cải tạo nâng tầng, sẽ đỡ lãng phí hơn làm nhiều tầng ngay từ đầu.
Hoàng Anh (ghi)