Điều đặc biệt ở bộ bàn ghế 3,8 tỷ đồng tại Hà Nội

Triển lãm diễn ra tại quận Long Biên, Hà Nội với hơn 20 gian hàng. Độc đáo nhất tại đây là bộ bàn ghế "Kỳ mộc" làm từ gỗ nu đinh hóa đá, của anh Nguyễn Gia Thành (39 tuổi, Thái Bình). Đúng với tên gọi, hình dáng của nó làm không ít người tham quan phải nán lại. 

 

Chủ nhân món đồ cho biết, thân gỗ này nằm dưới sông gần một thế kỷ, nên bề mặt của nó xuất hiện nhiều vết rỗ xù xì. Bên cạnh đó là những mảng u (đặc điểm của cổ thụ) được các nghệ nhân tạo hình một cách khéo léo thành hình dáng cây cỏ, linh vật.

 

Chiếc bàn tạo thành hình cụ rùa hồ Gươm, ghế được gia công như những con rồng đầy gai góc khiến người xem ngỡ ngàng về độ tinh xảo.

 

"Gỗ nu được sinh ra từ những 'thương tật' của các loại cổ thụ. Những dạng cây có u hay bên ngoài sần sùi là rất hiếm gặp, nhưng với bộ bàn ghế này, ngoài những dị tật thường thấy, nó còn có nhiều lỗ nhỏ tự nhiên trên thân, tạo nên một tạo hình cây tùng La Hán rất thực", anh Thành chia sẻ thêm.

 

Anh Cao Văn Nghị (44 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho rằng, với giá 3,8 tỷ, bộ bàn ghế này không đắt, vì nhiều lần đi tham dự triển lãm, anh chưa bao giờ thấy sản phẩm nào khác biệt như vậy. "Nếu nhà có không gian, tôi nhất định sẽ mua. Số tiền đó dù thực sự rất lớn, nhưng để trong nhà thì đẳng cấp gia chủ chắc chắn còn lớn hơn nhiều", anh Cao Văn Nghị nói.

 

Có mức giá cao thứ hai trong triển lãm là bộ bàn ghế tứ linh (long, lân, quy, phụng) của anh Lưu Thế Tùng (34 tuổi, Long Biên, Hà Nội). Bộ bàn ghế này được làm từ gỗ trắc, nặng 3 tấn, có niên đại lên đến 1.000 năm, bán giá 6,4 tỷ đồng. Mỗi chi tiết trên sản phẩm gắn liền với một sự tích của Việt Nam. Được chế tác từ năm 1988 tại Hải Dương, nhưng sau đó, món đồ nội thất này "lưu lạc" trên khắp các nước châu Á. Đến đầu năm nay, anh Tùng mới mua lại được từ một gia đình ở Đài Loan.

 

Được thiết kế theo kiểu ngai vàng của vua chúa, nên bộ bàn ghế có kích thước "khủng", ghế đơn có thể ngồi vừa 2 người trưởng thành, còn ghế lớn 8 người an tọa vẫn dư. Dưới ghế có các phản nhỏ lót chân. 

 

Tại triển lãm, tượng gỗ là vật phẩm trang trí có giá cả "mềm" hơn so với tượng đá hay bàn ghế. Trong gian hàng chủ đề Phật giáo của anh Vũ Thạch Anh (28 tuổi, Hải Dương) là những bức tượng có giá từ vài chục triệu đồng như "Quan âm trên tháp sen" làm từ gỗ hương đỏ đen, đến hơn một tỷ như các bức tượng di lặc. Bức tượng 'Di lặc ngồi dưới gốc đào' được chủ nhân rao giá 1,6 tỷ, do "làm từ gỗ nu kháo hàng trăm tuổi ôm đá thạch anh hiếm có". 

 

Tác phẩm "Chúa tể bầu trời" được làm từ ngọc mã não đỏ có giá 1,6 tỷ. Khách tham quan được giới thiệu rằng đến gần viên đá sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng, khiến tinh thần phấn chấn. Để có thể giữ được khối ngọc gần 2 tấn này, giá để cũng phải được chọn lọc từ thân cổ thụ mới có thể trụ vững.

 

Tác phẩm "Cá chép hóa rồng" là một trong những vật phẩm trang trí đắt nhất triển lãm, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thọ Toàn (60 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội). Chủ nhân món đồ này cho biết, tác phẩm được làm từ khối ngọc mã não vàng có niên đại hàng trăm năm tuổi, xuất xứ từ núi rừng Tây Nguyên, hiện có giá bán 15 tỷ đồng. "Khó có thể tìm được khối ngọc tự nhiên thứ hai có giá trị cao như thế", ông nói.

 

Theo ông Nguyễn Thọ Toản, Phó chủ tịch hội Đá quý Việt Nam, “năm nay số lượng gian hàng gần gấp đôi năm trước, với quy mô lớn hơn, có nhiều sản phẩm giá trị lên đến hàng tỷ đồng, đáng chú ý là những sản phẩm từ đá quý hay bộ bàn ghế bằng gỗ trắc hàng ngàn năm tuổi”.

 

Trọng Nghĩa

Nguồn tin: https://vnexpress.net/doi-song/dieu-dac-biet-o-bo-ban-ghe-3-8-ty-dong-tai-ha-noi-3835770.html

Nhập email của bạn để đăng ký vào danh sách nhận bản tin.

Zalo