Bỏ 400 triệu làm bể bơi trên mái, gia chủ vẫn phải tốn tiền đi bơi ngoài
Năm 2015, lúc xây nhà, anh Mạnh, 42 tuổi ngụ ở Bình Chánh, TP HCM quyết định làm bể bơi trên mái nhà, vừa mục đích chống nóng cho căn phòng ở tầng 4 - chính là phòng làm việc của anh, vừa để thoải mái bơi lội mà không phải đi ra ngoài. Để làm thêm cái bể bơi rộng 36m2, sâu từ 0,7 - 1,4m này, anh phải bỏ thêm 400 triệu nữa, trong khi nếu chỉ xây ngôi nhà 4 tầng trên miếng đất có diện tích 70m2, anh chỉ tốn khoảng 1,7 tỷ đồng để hoàn thiện cơ bản.
Thời gian đầu mới có bể bơi, cả nhà anh Mạnh đều rất thích. Đợt đó đúng dịp nghỉ hè của bọn trẻ nên sáng nào anh cũng cùng hai con bơi. Hết kỳ nghỉ, các con đi học trở lại, sáng tất bật chuẩn bị để kịp giờ học, tối lại đi học thêm, chúng gần như không còn thời gian xuống nước, anh Mạnh cũng lười theo.
Dần dần, bể bơi chỉ được sử dụng vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, không phải tuần nào gia đình anh cũng ở nhà, lúc thì đi ăn tiệc nhà bạn bè, hôm thì về quê, lần lại đi du lịch. Dù vậy, mỗi tháng, anh vẫn phải trả 15 triệu để thuê dịch vụ làm vệ sinh bể bơi trọn gói. Hàng tuần, công ty dịch vụ sẽ cho người đến hút bụi bẩn, vớt rác trên mặt hồ, cọ rửa vệ sinh, sục khí clo làm sạch.
"Có một tháng chúng tôi tạm ngưng dịch vụ vệ sinh. Chỉ sau nửa tháng, rong rêu xuất hiện, bụi, rác đọng lại, trông cái bể bơi cũ kỹ bẩn vô cùng", anh Mạnh kể.
Sau mấy lần đi du lịch, được bơi trong hồ khách sạn rộng và sâu, các con anh về thường xuyên chê bể bơi ở nhà nhỏ, không có cửa hàng bán snack, sinh tố nên càng không thích bơi ở nhà.
"Nửa năm nay, tôi không thuê người đến dọn bể bơi nữa, tiền đó đưa con đi bơi ở mấy hồ bơi năm sao, vừa sâu vừa rộng, bơi đã hơn rất nhiều, kể cả vé vào 100.000 đồng/người mà vẫn dư. Ra ngoài, không khí sôi động và vui hơn. Ở nhà được cái sạch, tiện nhưng lại buồn và tốn kém", anh Mạnh chia sẻ.
Hiện tại, anh đã rút hết nước khỏi bể bơi và đang nghĩ không biết nên đổi sang làm hồ nuôi cá hay trồng cây tại đây.
Nhiều gia chủ chỉ háo hức bể bơi ở nhà thời gian đầu, sau đó một thời gian là chán. Ảnh: Cristobal Palma. |
Trong nhiều năm làm nghề, cả kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (tổng giám đốc Cát Mộc Group) và Huỳnh Xuân Hải (giám đốc Kiến thiết Việt) đã gặp rất nhiều gia chủ xây bể bơi trong nhà, chỉ háo hức thời gian đầu, sau đó là chán.
"Thường khi làm nhà, mọi người hay nghĩ cho con cái. Lúc đó, con còn nhỏ, bơi ở nhà vừa thuận tiện vừa giúp các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn. Sau vài năm con lớn, bận đi học này nọ, bể bơi không được sử dụng. Trong khi đó, gia đình vẫn phải bảo trì, lọc nước, dọn vệ sinh", ông Truyền cho biết.
"Nếu có lời khuyên cho người xây nhà, tôi cũng khuyến cáo không nên làm bể bơi, vì tôi thấy đa số mọi người đều chán sau một thời gian dùng", ông Hải nói.
Kiến trúc sư Hải ước tính, giá thành để làm bể bơi được tính bằng giá sàn nhà nhân hệ số 2, như hiện nay, tại TP HCM, một m2 sàn nhà khoảng 5 triệu đồng, còn một m2 hồ bơi khoảng 10 triệu đồng.
Còn kiến trúc sư Truyền cho biết, nếu xét riêng chi phí đổ mái bằng bê tông bình thường, với chi phí mái nhà có bể bơi thì số tiền đầu tư sẽ cao hơn 300%. Tức là nếu cùng diện tích đó, mái nhà bê tông tốn hết 100 triệu đồng, thì mái nhà có hồ bơi tốn 300 triệu. Làm hồ trên mái sẽ cần kết cấu móng chắc chắn hơn, "tốn kém từ kết cấu móng", ông Truyền lý giải.
Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu, chi phí bảo trì bảo dưỡng bể cũng không hề nhỏ, và đây là khoản tốn kém nhất vì phải làm thường xuyên. Chỉ cần bỏ bẵng vài tuần là bể bơi đã bẩn, do có nước và nắng nên thành hồ nhanh chóng bị rêu bám, rồi bụi tạp chất trong không khí lắng đọng dưới đáy, khiến bể không khác cái ao tù. Để giữ bể sạch có thể sử dụng được, gia chủ phải vệ sinh liên tục.
Ngoài việc xác định rõ nhu cầu sử dụng hồ bơi của gia đình để tránh lãng phí, kiến trúc sư Truyền cũng khuyến cáo, khi quyết định làm bể bơi, gia chủ cần xem diện tích nhà có đủ rộng để làm một bể bơi đúng nghĩa không (tối thiểu khoảng 30m2), nơi đặt bể có đón được ánh nắng cả ngày, hoặc tối thiểu cũng đón được ánh nắng buổi sáng không (bể bơi không có nắng khiến vi khuẩn dễ sinh sôi nẩy nở và làm cho người bơi dễ bị bệnh), và đặc biệt thiết kế phải an toàn, đúng kỹ thuật.
Làm hồ bơi trên mái có thể coi là một biện pháp chống nóng tuyệt vời cho tầng dưới và tạo thêm cảnh quan cho sân thượng. Tuy nhiên nếu thi công sai kỹ thuật có thể gây thấm, dột. Việc thi công mái có bể bơi khó hơn hẳn mái bình thường, phải tính kết cấu cho đủ, chống thấm đúng kỹ thuật.
Từng có ý định xây bể bơi trên ban công tầng 2, vợ chồng chị Chi ở quận 2, TP HCM đến khi chuẩn bị hoàn thiện ngôi nhà đã quyết định đổi bể bơi thành hồ sen vì suy tính kỹ, họ thấy mình không có nhiều thời gian để bơi mỗi ngày. Trong khi đó, chỉ cần đi bộ, họ đã có thể đến được một khách sạn có hồ bơi sẵn sàng cho khách bên ngoài vào.
Hoàng Anh